Khi nhắc đến Tết, chúng ta sẽ chẳng thể nào bỏ qua được món củ kiệu chua ngọt thơm ngon, giòn rụm, ăn kèm với bánh chưng, bánh tét rất hợp vị mà lại không bị ngấy. Bên cạnh chế biến được nhiều món ăn, củ kiệu còn có nhiều công dụng cho sức khỏe, giúp tăng sức đề kháng và cung cấp nhiều chất dinh dưỡng. Trong bài viết này, Thế Giới Trẻ sẽ giới thiệu đến các tác dụng của củ kiệu và mách bạn cách làm củ kiệu chua ngọt giòn rụm, đậm vị, để có được cái Tết trọn vẹn nhất cùng gia đình!
Cách làm củ kiệu chua ngọt
Chuẩn bị nguyên liệu làm củ kiệu chua ngọt
– Củ kiệu tươi (dựa theo số lượng thành viên trong gia đình để quyết định số lượng)
– Tro bếp (bạn có thể dùng muối để thay thế)
– Phèn chua (hoặc vôi)
– Đường
– Muối
Cách làm củ kiệu trắng và chua ngọt
Bước 1: Rửa sạch kiệu trước, sau đó, hãy ngâm với nước tro bếp trong 12h (hoặc ngâm với muối, nhưng mà thời gian ít hơn để củ kiệu không bị mặn). Sau khi ngâm, bạn cần vớt kiệu ra rửa lại với nước sạch và cắt bỏ phần đuôi và rễ kiệu.
Bước 2: Ngâm củ kiệu vào một thau nước đã ngâm sẵn phèn chua, để kiệu giữ được màu trắng của nó (có thể ngâm nước vôi, nhưng nhớ để ý liều lượng nước vôi nhé). Đây là mẹo làm củ kiệu được các bà, các mẹ ngày xưa chỉ lại, cho đến bây giờ, cách làm củ kiệu này vẫn rất phổ biến và được nhiều người sử dụng.
Bước 3: Lấy kiệu đã ngâm phèn chua ra rửa thật sạch, đem phơi nắng nhẹ cho ráo củ kiệu (với cách này, củ kiệu sẽ ráo nước, trắng và giòn hơn). Sau khi củ kiệu đã được phơi nắng xong, bạn hãy sơ chế qua bằng cách gọt bỏ màng kiệu, rễ kiệu, đầu kiệu, làm sạch bụi bẩn lại một lần nữa mới tiến hành trộn gia vị cho củ kiệu.
Nếu thời tiết không có đủ nắng để phơi củ kiệu, bạn có thể chọn cách sấy củ kiệu trong lò nướng với nhiệt độ thấp nhất và đừng đóng khít cửa lò. Cách này sẽ khiến cho củ kiệu héo vừa đủ mà không bị khô hẳn, mất nước.
Bước 4: Tiến hành trộn củ kiệu với lượng muối và đường tùy theo sở thích. Bạn có thể trộn thêm một ít giấm giúp kích thích vị giác, cho củ kiệu có vị chua ngọt như mong muốn.
Cách làm củ kiệu ở khâu trộn gia vị sẽ tùy thuộc vào sở thích vị giác của bạn, bạn có thể tự do nêm nếm để có được một hũ kiệu ưng ý nhất nhé!
Bước 5: Xếp củ kiệu vào hũ thủy tinh sau khi đã làm củ kiệu xong, có thể cho thêm củ cải đỏ hoặc vài trái ớt vào ngâm cùng để nâng tầm trải nghiệm về cả vị giác lẫn thị giác.
Bí quyết muối củ kiệu giữ được độ giòn lâu
Chọn nhiệt độ vừa phải để củ kiệu giòn ngon
Trong quá trình làm củ kiệu ở công đoạn phơi, sấy củ kiệu, bạn chỉ nên ước chừng thời gian và nhiệt độ để củ kiệu đạt mức hơi héo, vẫn giữ được độ ẩm cần có. Không nên phơi nắng củ kiệu dưới thời gian quá dài hoặc sấy với nhiệt độ cao, điều này sẽ khiến cho củ kiệu bị mất nước, mất hết chất ngọt, vừa không được ngon lại vừa bị hao hụt hàm lượng dinh dưỡng.
Không cắt phạm củ kiệu
Bạn nên cẩn thận trong quá trình cắt rễ kiệu, không nên cắt phạm vào bên trong củ kiệu, vì như vậy sẽ khiến cho củ gặp phải tình trạng úng nước, không được thơm ngon và giòn rụm như mong muốn.
Phơi nắng hũ kiệu ngâm để tạo vị thơm ngon
Sau khi làm củ kiệu xong, bạn có thể phơi nắng hũ kiệu ngâm trong khoảng nửa ngày, cách này sẽ giúp cho kiệu đạt đến vị thơm và ngon hoàn hảo.
Khi làm củ kiệu, bạn chỉ cần ngâm kiệu từ 7-10 ngày là có thể dùng được, bạn có thể để nơi khô ráo hoặc để vào tủ lạnh để có thể giữ cho kiệu được ngon hơn và sử dụng lâu hơn.
Ngoài ra bạn cũng có thể làm củ kiệu ngâm ăn ngay sau 3-4 ngày, bằng cách thắng nước đường giấm cho vào keo kiệu đã được xếp sẵn thay vì cách làm củ kiệu trên.
Nên chọn hũ thủy tinh để ngâm kiệu
Nhiều gia đình thường chọn tận dụng hũ nhựa thay cho hũ thủy tinh, nhưng hũ nhựa lại chính là nguyên nhân khiến cho món củ kiệu chua ngọt của bạn không được ngon. Làm củ kiệu ngâm lâu ngày trong hũ nhựa sẽ phát sinh ra mùi hăng rất khó chịu, khiến cho món ăn không còn thơm ngon và hấp dẫn như lúc vừa làm xong.
Trong quá trình làm củ kiệu và ngâm kiệu, bạn có thể dùng đũa để xới kiệu lên, giúp cho các mặt của củ kiệu được chín đều và ngấm gia vị, như vậy món ăn sẽ ngon hơn và đậm vị hơn.
Bảo quản củ kiệu ở nhiệt độ phòng hoặc tủ lạnh
Sau quá trình làm củ kiệu là quá trình bảo quản. Bạn không nên bảo quản củ kiệu ở những nơi có nhiệt độ cao, có ánh nắng mặt trời chiếu vào trực tiếp, vì như vậy kiệu sẽ dễ bị hư hỏng. Tốt nhất là sau khoảng 7 ngày bảo quản trong nhiệt độ phòng, bạn nên cho hũ kiệu vào tủ lạnh và ăn dần, cách bảo quản này vừa giúp cho món kiệu thêm phần giòn ngon, vừa giúp cho việc bảo quản thực phẩm được hiệu quả hơn.
Với những bí quyết trên, bạn sẽ có được món kiệu ngâm chua ngọt tự tay làm đãi ba mẹ ngày tết ngon tuyệt cú mèo. Đặc biệt, các bạn gái sẽ gây ấn tượng mạnh mẽ nếu mang tặng cho gia đình người ấy món quà tết đơn giản nhưng dễ được lòng phụ huynh như thế này. Chúc các bạn thành công nhé!
Xem nhiều hơn tại fanpage: Thế giới trẻ